Những món ăn giữ kỷ lục kỳ quặc nhất thế giới

Loại ớt cay nhất, món ăn kinh khủng nhất, quyến rũ nhất, nguy hiểm nhất và đắt nhất... sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm khó tin.

Loại ớt cay nhất thế giới: Loại ớt này được Nicky Woods và vợ anh, Zoe trồng ở Lincolnshire (Anh). Họ đặt tên cho loại ớt này là “Vô hạn”. Độ cay của nó theo thang Scoville lên tới 1.067.286 trong khi tương ớt đậm đặc mới chỉ đạt mức 5.000.
Phô mai nặng mùi nhất thế giới: Năm 2004, các nhà nghiên cứu ở đại học Bedfordshire đã phát triển một “mũi điện tử” để phân tích mùi của các loại phô mai. Trong một cuộc khảo sát, chiếc mũi điện tử này và 19 người tham gia đã xác định Vieux Boulogne, một loại phô mai mềm xuất xứ từ miền Nam nước Pháp, là loại phô mai nặng mùi nhất thế giới. Vieux Boulogne có mùi còn khó chịu hơn cả Epoisses de Bourgogne, một loại phô mai bị cấm ăn trên các phương tiện công cộng ở Pháp do mùi quá khủng khiếp.

Món ăn nguy hiểm nhất: Đặc sản cá nóc của Nhật Bản có thể gây chết người nếu không chế biến đúng cách. Các cơ quan nội tạng của cá nóc, đặc biệt là gan và buồng trứng, chứa chất kịch độc. Tỷ lệ tử vong trung bình khi ăn cá nóc là 6,8%, chủ yếu là những trường hợp không phải do đầu bếp chuyên nghiệp chế biến.

Nguyên liệu đắt nhất: Cristiano Savini, thợ săn nấm Truffle ở Tuscany, phía bắc Italy, đã tìm được một cụm nấm nặng 1,5 kg và bán được 330.000 USD (7,1 tỷ đồng). Đây là loại nguyên liệu nấu ăn đắt giá nhất thế giới.
Món ăn quyến rũ nhất: Món sushi của Nhật nổi tiếng với màu sắc và tạo hình đầy nghệ thuật, nhưng một số nhà hàng đã đưa món này lên một tầm cao mới. "Nyataimori" là sushi được bày trên cơ thể một thiếu nữ khỏa thân. Rất ít nhà hàng phục vụ Nyataimori và thường với một cái giá không dễ chịu chút nào.
Món ăn "kinh dị" nhất: Phô mai giòi Casu Marzu, đặc sản của Italy, được làm từ sữa cừu, chúng có vị khá giống phô mai Gorgonzola. Nhưng nếu nhìn gần hơn, bạn sẽ thấy những con giòi lúc nhúc. Đây là ấu trùng của một loại ruồi, chúng khiến phô mai lên men và có mùi rất khó ngửi. Loại này đã bị Liên minh châu Âu cấm, nhưng những người thích ăn vẫn khẳng định giòi còn sống thì phô mai vẫn ăn được. Hiện ở Sardinia vẫn có người bán chui.
Món gây nhiều tranh cãi nhất: Mùi sầu riêng khiến nhiều người thấy khó chịu đến mức loại quả này đã bị cấm đem lên taxi, xe thuê và các phương tiện công cộng ở châu Á. Tuy nhiên, vị của sầu riêng lại rất ngon và được nhiều người yêu thích.



Nguồn: news.zing.vn
Hoàng Linh
Read More »

Cách làm tổ yến chưng đường phèn


Nguyên Liệu : 

- Tổ yến nguyên miếng đã qua sơ chế ( xem phần hướng dẫn sơ chế), khoảng 5 Gr cho một lần ăn/ một người.

- Đường phèn liều lượng tùy thích.

- Nước để nguội ( không lạnh không nóng )

- Một chén nhỏ ( hay thố nhỏ ) để chưng cách thủy.

- Một nồi vừa đủ để đựng chén ( hay thố nhỏ ).



Cách Làm :


Bước 1. 

- Nếu là yến thô (còn nguyên tổ) chúng ta phải làm sạch lông và tạp chất ( xem thêm phần hướng dẫn cách làm sạch lông ) trước khi qua bước 2.

- Nếu là yến đã qua sơ chế ( yến đã làm sạch lông ), chúng ta nên ngâm yến vào nước khoảng 20ph rồi đổ bỏ nước đã ngâm và tiếp tục làm bước 2.

Bước 2.

Cho tổ yến đã làm sạch ( Khoảng 5Gr ) và đường phèn ( liều lượng tùy thích ) vào một chén ( thố nhỏ ) cùng một lúc. Đổ nước cho đầy ( vừa ngập tổ yến và đường phèn).

Bước 3. 

Đặt chén ( hay thố nhỏ ) ở trên vào nồi đã chuẩn bị, đổ nước vào nồi cho vừa ngập 1/4 thân của chén ( hay thố nhỏ ).

Bước 4. 

Đậy nắp nồi, cho lửa lớn vừa đủ đến khi nước sôi rồi vặn nhỏ lửa, thời gian chưng thông thường là 20 phút, có thể khác nhau theo từng loại, xin tham khảo thêm bảng thời gian ngâm nở và chưng cách thủy ở phần sơ chế để đạt kết quả tốt nhất.

Bước 5. 

Sau khi kiểm tra thấy tổ yến đã đạt được độ mềm cần thiết ( theo ý thích tùy mỗi người), tắt lửa lấy chén yến ra ăn nóng hay để nguội rồi bỏ vào tủ lạnh cho người thích ăn lạnh , có thể thêm 2 lát gừng để khử mùi tanh và thêm phần thơm ngon cho chén yến.

Lưu ý : không nên chưng quá lâu so với thời gian trong bảng đã quy định, tổ yến có thể bị nhão, làm mất hương vị đặc trưng của tổ yến.
Read More »

3 quán cháo lòng lâu năm của Sài Gòn

Cháo tiều cô Út, cháo lòng cô Ba... điều có điểm chung là bán lâu năm, gần các khu chợ sầm uất, tô cháo đầy đặn, giá cao và đông khách.


Nằm trong hẻm 51 đường Cao Thắng, quận 3, TP HCM, cháo Tiều cô Út từ lâu là quán cháo quen thuộc với người dân khu vực chợ Bàn Cờ và thực khách sành ăn Sài Gòn nói chung. Ảnh: Huỳnh Hằng.


Món cháo của quán có 2 đặc trưng. Môt là lòng heo chỉ luộc chín khi có khách gọi và xắt to bản, nên có độ giòn. Hai là cháo được nấu theo phong cách núi biển của người Tiều.Giá các món cháo tại đây từ 21.000-60.000 đồng/tô. Ảnh:Huỳnh Hằng.


Nhắc đến cháo lòng ở chợ Đa Kao, người ta nghĩ ngay đến Cô Ba, quán cháo lòng trên đường Nguyễn Huy Tự, quận 1, TP HCM. Ảnh: Huỳnh Hằng.


Quán có thâm niên trên 50 năm. Nhiều khách quen cho biết, nếu đã quen với hương vị của món ăn này tại đây, dù có đi đâu, bạn cũng chỉ muốn trở lại thưởng thức. Ảnh: Huỳnh Hằng.


Một tô cháo lòng tại quán có giá 45.000 đồng. Bạn có thể yêu cầu người bán để lòng chung trong tô cháo, hay để riêng ra đĩa. Ảnh: Huỳnh Hằng.


Nếu hai quán cháo trên ghi điểm với đặc trưng riêng của dân tộc (Tiều) hay vùng (miền Nam), cháo lòng Minh Khai ở hẻm 153 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM lại được nhiều thực khách đánh giá là sự hòa trộn giữa văn hóa ẩm thực Bắc - Nam. Ảnh: Petialia.


Điều này được thể hiện qua phần cháo với giá, nước dùng tách biệt với cháo theo kiểu sơn thủy. Đĩa lòng với hai loại dồi có nhân khác nhau. Chén nước mắm có ít gừng, ớt xắt đi kèm. Ảnh: Bepgiadinh.

Nguồn: news.zing.vn
An Huỳnh
Read More »

6 món ăn hoang dã nhưng đầy sức hút ở Tây Nguyên

Lẩu lá rừng từng là món ăn chống đói của người Ê đê còn gỏi lá lại được làm từ ít nhất 40 loại lá với nhiều công dụng khác nhau.


Bên cạnh vẻ đẹp của những ngọn thác nước đục ngầu vào mùa mưa, những nương rẫy bạt ngàn gió mùa khô, đến với Tây Nguyên, du khách còn được khám phá ẩm thực của miền rừng núi với 6 món ăn đơn giản, đậm chất hoang dã và đầy cuốn hút.

Lẩu lá rừng

Từng là một món ăn chống đói của người dân tộc Ê đê, đến nay lẩu lá rừng lại trở thành đặc sản đãi khách phương xa. Món ăn này giống như thứ canh thập cẩm với đủ các loại lá rừng, do đó ban đầu nó thường không mấy hấp dẫn du khách.

Vị cay nồng của lá cây tươi, kèm theo chút vị ngọt của các loại gia vị khiến du khách không thể quên món ăn dân dã này. Ảnh: Tingialai.

Tuy nhiên, những thực khách từng thưởng thức qua món ăn này đều phải gật gù tán dương và thừa nhận mùi vị của nó rất đặc biệt. Lẩu lá rừng không hẳn là ngọt đậm cũng không phải kiểu thơm lừng mà nhẹ nhàng, thấm thía. Dường như hương vị của núi rừng đại ngàn đã thấm vào từng chiếc lá, đem lại sự đặc biệt cho món ăn.

Món lẩu này thường được ăn kèm thịt heo rừng hấp và một số món ăn thường nhật của người dân Ê đê.

Gà sa lửa

Ngay từ cái tên, gà sa lửa đã khiến du khách cảm thấy rạo rực. Gà được chọn từ những giống gà nuôi của đồng bào dân tộc thiểu số hoặc gà rừng do đó thịt dai, ngọt và thơm. Sau khi làm sạch, gà được ướp với hỗn hợp gia vị bao gồm muối hột, ớt xanh, thêm chút sả trong khoảng một tiếng rồi kẹp vào thanh tre với lá chanh, cho lên bếp nướng đến khi bên ngoài vàng ươm.

Gà được xé ăn trực tiếp chấm với muối lá é - một loại lá rừng có vị chát đặc trưng.

Gà sa lửa, niềm tự hào của ẩm thực Tây Nguyên. Ảnh: Proguide.


Cơm lam

Cơm lam được chế biến từ nguyên liệu chính là gạo nếp nương, không nướng trực tiếp trên lửa mà vùi dưới lớp tro của than hồng cho tới khi ống lam chuyển sang màu vàng úa cháy xém. Món ăn dân dã này bao đời nay đã khiến du khách say mê và thường xuyên thưởng thức mỗi khi có dịp ghé về.

Cơm lam, món ăn của núi rừng, chắt lọc vị ngọt của dòng suối mát trong và hương thơm của rừng tre nứa. Ảnh: tinfood.

Cà đắng

Cách chế biến cà đắng rất đa dạng, có thể muối, nướng hoặc nấu với các loại thủy sản, thịt... Nếu như cà đắng muối là món ăn đơn giản với vị cay xé lưỡi của ớt giã nát thì khi nướng lại có vị thơm ngon đặc biệt. Lúc đầu, vị đắng của cà có thể làm bạn nhăn mặt khó chịu, nhưng bù lại, hương thơm, và vị bùi lại có sức níu kéo vị giác rất mạnh. Dần dần, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt còn dư đọng lại nơi đầu lưỡi của món ăn này.

Nếu nấu với các loại thủy sản hay thịt thì món này phải kèm nhiều ớt xanh cùng lá lốt băm nhỏ .Khi ăn vào miệng, bạn sẽ cảm nhận rõ nét vị béo của thịt, vị đắng của cà, vị bùi của lá lốt. Ăn miếng cà đắng, nghe vị cay xộc lên mũi, vị ngọt bùi thấm đẫm trong vị đắng thì đó mới là lúc bạn cảm nhận được rõ nét đặc trưng của ẩm thực Tây Nguyên.

Nếu miền Bắc có cà pháo, cà bát miền Trung, cà tím nướng miền Nam thì Tây Nguyên tự hào với các món ngon từ cà đắng - một đặc sản chỉ có ở núi rừng. Ảnh:Dulichtaynguyen.

Gỏi lá

Nguyên liệu làm món gỏi lá này khá phức tạp, gồm hơn 40 loại lá khác nhau với nhiều công dụng bồi bổ sức khỏe như lộc vừng, sâm đất, hồng ngọc, cải cay... và ăn kèm thịt ba chỉ, tôm rang, bì lợn thái mỏng trộn cùng thính và nước chấm làm từ hèm rượu, trứng vịt, hạt tiêu...

Khi ăn, bạn lấy các loại lá cuốn thành hình phễu, cho thịt vào giữa rồi chấm vào bát nước sền sệt. Vị chan chát, ngòn ngọt, chua chua, lại cay cay, hòa quyện với vị bùi béo ngậy của thịt, tôm khiến du khách vô cùng thích thú.

Chua chua, cay cay, thơm thơm, nồng nồng… là những hương vị đặc trưng của món ăn này. Ảnh: dulichtaynguyen.


Thịt nai

Đây là món ăn có sức quyến rũ mãnh liệt với du khách khi đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên. Hiếm có thứ thịt nào đạt độ mềm, đậm đà và ngọt như thịt nai. Ngoài ra, món ăn chế biến từ nguyên liệu không phổ biến này cũng rất phong phú như nướng, xào lăn, nhúng giấm, cháo bao tử nai khổ...

Những người thích lai rai thường chọn nai khô ướp đủ xì dầu, sả, muối, đường, ớt mè trắng và ngũ vị hương được làm chín trên than hoa và sau đó dần bằng sống dao cho mềm. Nếu bạn thích ngồi quây quần với gia đình, bạn bè có thể chọn món nai nướng. Từng miếng thịt nai tươi thái, tẩm gia vị sẵn cho lên bếp, được miếng nào, gắp ra ăn nóng ngay miếng đó cùng với lát gừng là hợp nhất.


Thịt nai, đặc sản phổ biến của núi rừng Tây Nguyên.


Selina Nguyễn
vnexpress.net
Read More »

Cách nhận biết hải sản tẩm urê

Hải sản là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng khi chúng bị tẩm ướp urê, chất tẩy javel thì không còn nguyên chất nữa và có thể gây ngộ độc cho người tiêu dùng.

Trong cơ thể người, nếu lượng urê cao quá mức có thể gây giảm hoạt động của tuyến giáp, rối loạn máu ác tính, rối loạn thần kinh... Ngoài ra, urê có thể chứa các thành phần nguy hiểm như kim loại nặng gây ngộ độc. Nhẹ là chóng mặt, đau bụng, nặng hơn sẽ nôn mửa, tiêu chảy, trường hợp cấp cứu không kịp sẽ gây tử vong.

Theo các chuyên gia về thủy - hải sản, urê là một loại phân bón hóa học dùng trong nông nghiệp. Đây là loại hóa chất có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, giá thành rất rẻ nên không ít người kinh doanh thủy hải sản tươi sống đã dùng phân urê để bảo quản nhằm giữ cho thực phẩm tươi lâu không bị ươn thối.

Khi mua thủy, hải sản, người mua cần kiểm tra, quan sát kỹ để không mua phải hải sản ngâm tẩm hóa chất.


Khi sử dụng urê để tẩm ướp, bảo quản hải sản, urê sẽ ngấm trực tiếp vào cá, tôm. Sau đó, thực phẩm này dù có được rửa kỹ nhiều lần vẫn không loại bỏ được hết các dẫn xuất độc hại của urê đã ngấm sâu vào thực phẩm.

Trong cơ thể người, nếu lượng urê cao quá mức có thể gây giảm hoạt động của tuyến giáp, rối loạn máu ác tính, rối loạn thần kinh... Ngoài ra, urê có thể chứa các thành phần nguy hiểm như kim loại nặng gây ngộ độc. Nhẹ là chóng mặt, đau bụng, nặng hơn sẽ nôn mửa, tiêu chảy, trường hợp cấp cứu không kịp sẽ gây tử vong.

Để đánh lừa người tiêu dùng, trước khi đem bán, người ta đã ngâm nước, rửa thật kỹ những sản phẩm được bảo quản bằng urê. Do đó người mua không tinh ý vẫn sẽ "dính đòn". Tuy nhiên, mọi người có thể nhận biết được bằng cảm quan.

Với các loại hải sản khi có dấu hiệu hư hỏng luôn có mùi rất đặc trưng là mùi ươn. Người tiêu dùng kiểm tra kỹ sẽ phát hiện dễ dàng dù chúng đã được xử lý để giảm bớt mùi.

Ngoài ra, mô thịt thường nhão, không săn chắc tự nhiên như hải sản còn tươi sống. Với cá ướp urê nhìn bề ngoài thấy rất tươi, mắt cá trong, mang cá đỏ tươi hơn bình thường. Tuy nhiên, độ đàn hồi thân cá không cao, khi ấn tay vào sẽ mềm, mình cá lõm xuống, ngửi kỹ cá có mùi khai chứ không phải mùi tanh đặc trưng.

Ngoài ra, sau khi rửa vài nước cá sẽ mềm, lúc chiên hay kho cá sẽ rã ra và không có mùi thơm tự nhiên của cá biển. Tương tự, với mực, bạch tuộc, tôm… nhìn bằng mắt thì tươi nhưng sờ tay vào sẽ mềm oặt. Khi chế biến sẽ không có độ ngọt, thơm tự nhiên mà thịt hải sản ướp ure thường mềm, nhũn, có mùi hôi…

Để tránh mua phải hải sản ngâm hóa chất, khi chọn hải sản người mua nên kiểm tra kỹ. Nên mua đồ còn sống, bằng không cần chọn những cửa hàng có uy tín, xuất xứ sản phẩm rõ ràng. Khi chế biến hải sản nếu thấy mùi khai, có vị khó chịu thì không nên ăn.




Theo Quang Huy/Báo Pháp Luật TP.HCM
Read More »

CANH CÁ DIÊU HỒNG NẤU NGÓT




Hương vị đặc trưng của cần tây, hành lá không chỉ làm át đi mùi tanh của cá mà còn làm cho món canh trở nên thơm ngon hơn bao giờ hết.

Khẩu phần: 3 người – Chuẩn bị: 15 phút – Chế biến: 20 phút

Nguyên liệu:
1 con cá điêu hồng khoảng 500g.

2 quả cà chua

1 củ hành tây

1 bó cần tây

1 bó hành lá.

Hạt nêm; ớt trái; tỏi bằm; đường; tiêu bột.

Thực hiện:

1.Các loại rau, củ rửa sạch.


2.Cá điêu hồng làm sạch, rửa lại với rượu trắng rồi lau khô.


3.Phi thơm tỏi bằm, cho cà chua, hành tây thái múi cau vào xào sơ với ít hạt nêm, đường.


4.Cho nước vào vừa đủ rồi đun sôi, cho cá vào đun đến khi cá chín.


5.Nêm lại gia vị vừa ăn, cho rau cần, hành lá vào rồi tắt bếp.


6.Múc canh ra bát, rắc lên ít tiêu bột, ớt trái rồi dùng nóng.

Read More »

Cách để người tiêu dùng nhận diện thịt bò giả

Câu chuyện thịt trâu giả bò, thịt lợn giả bò gần đây khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc vì nó có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Việc xuất hiện loại thịt bò giả khiến người tiêu dùng dấy lên lo ngại cho chất lượng bữa ăn. Nghi án thịt trâu nhập về Việt Nam bị biến thành thịt bò hay việc sản xuất mỡ bì lợn siêu bẩn đã khiến người tiêu dùng hoang mang và tìm cách để có thể phân biệt được đâu là thịt bò thật, đâu là thịt bò giả trên thị trường.Nhận diện thịt trâu "đội lốt" thịt bò

Nhận diện thịt trâu "đội lốt" thịt bò

Trong sạp thịt bò, người bán hàng rất dễ để lẫn hai loại thịt trâu và thịt bò vì hai loại thịt này đều có màu đỏ, không để ý kỹ sẽ rất khó để phân biệt. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ người tiêu dùng sẽ nhận thấy thịt trâu có màu sẫm đen, mỡ thịt trâu trắng trong khi mỡ thịt bò vàng. Hơn nữa thớ thịt trâu to và thô hơn thớ thịt bò.



Thịt bò khỏe mạnh khi giết mổ thường có màu hông nhạt, thớ thịt nhỏ, nếu cắt ngang thớ thịt sẽ thấy bề mặt lát cắt mịn màng hơn. Còn thịt trâu khỏe mạnh thường có màu hồng sậm, có khi màu đỏ sậm, thớ thịt hơi thô. Cắt ngang thớ thịt quan sát thấy sợi cơ to hơn sợi cơ của thịt bò, độ mịn kém thịt bò.

Nếu đem xào, luộc, thịt bò thường có mùi, thịt trâu không có hoặc có nhưng không rõ lắm. Mặt khác, thịt trâu khi luộc, xào thấy miếng thịt co lại, dai hơn, độ săn chắc hơn hẳn thịt bò và ngọt hơn thịt bò.Nhận diện thịt lợn giả bò

Nhận diện thịt lợn giả bò


Việc phân biệt thịt lợn giả bò không hề dễ, tuy nhiên nếu tinh ý người tiêu dùng vẫn sẽ phát hiện được. Trước hết thớ thịt bò dài nhưng bé, còn thịt lợn thớ to và ngắn hơn. Về màu sắc, thịt bò thật đỏ au, thịt lợn có màu hồng nhạt hơn, phần mỡ thịt bò có màu vàng nhạt, còn mỡ thịt lợn có màu trắng.

Nếu dùng ngón tay ấn vào miếng thịt, nếu là thịt lợn, cảm giác hơi mềm, còn ấn vào thịt bò sẽ thấy thịt rất mềm, cảm giác như thịt dính theo tay. Thịt bò cũng "nặng mùi" hơn thịt lợn, nếu sờ tay vào rồi ngửi sẽ cảm thấy mùi tanh.

Ngoài ra, thịt bò được làm từ thịt lợn thường phải nhuộm bằng phẩm màu cho có màu đỏ thẫm nên nếu người tiêu dùng miết tay vào miếng thịt mà thấy có màu đỏ "lạ" ở tay thì chắc chắn thịt đã bị nhuộm hóa chất. Để mua được thịt bò ngon, nên chọn miếng thịt có màu đỏ đặc trưng, độ đàn hồi tốt, bề mặt thịt mịn, khô chứ không nên chọn miếng thịt không tươi màu, hơi tái và nhợt nhạt.Cách khử mùi hôi của thịt bò

Với nhiều người, thịt bò có vị gây và khó ăn hơn thịt lợn rất nhiều. Do đó, nếu không tìm cách loại bỏ hết mùi gây, họ sẽ cảm thấy rất khó ăn.

Cách xử lý là hãy cho bò vào nồi nước lạnh (nước ngập miếng thịt) rồi đặt lên bếp đun nóng lên (chứ không sôi). Lúc này, bề mặt thịt sẽ nóng và ngưng kết lại, làm cho mùi gây trong miếng thịt giảm đi. Cách làm này chỉ nên dành cho món bò nấu, hầm, thái miếng lớn.


Theo Huyền Cao - Người tiêu dùng
alobacsi.com
Read More »

Bữa ăn sạch - Khó hay dễ?

Cả nhà cháu có vấn đề về tiêu hóa nên bữa ăn gia đình luôn được chú trọng. Tuy nhiên, cháu còn chưa hiểu đúng về một bữa ăn sạch phải thực hiện như thế nào, mong bác sĩ tư vấn.

Lã Hải Anh (Hải Phòng)



Chào bạn,

Đúng là bữa ăn gia đình ngoài việc sử dụng thực phẩm cho đúng và ngon thì vấn đề vệ sinh luôn được chú trọng. Trước hết cần sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi, nguyên vẹn, đã được tiệt trùng.

Hãy rửa tay sạch sẽ trước khi sử dụng thực phẩm và thường xuyên rửa tay trong suốt quá trình chế biến. Rửa và vệ sinh tất cả bề mặt và thiết bị dùng để chế biến thực phẩm. Bảo vệ khu vực bếp và thực phẩm khỏi gián, bọ, chuột và các động vật khác.

Để riêng thực phẩm sống và đã nấu chín. Thực phẩm sống, đặc biệt là thịt, gia cầm, hải sản có thể chứa vi sinh vật nguy hiểm, sẽ truyền sang thực phẩm khác trong quá trình chế biến và cất giữ.

Hãy sử dụng riêng từng dụng cụ, thiết bị như dao, thớt trong chế biến thực phẩm sống. Khi cất giữ, hãy xếp riêng từng loại vào âu có nắp đậy kín. Khi chế biến thực phẩm, bạn nên nấu chín, đặc biệt là thịt, gia cầm, trứng và hải sản.

Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn: Dù tươi sống, hay đã nấu chín, chỉ sau một thời gian nhất định là các vi khuẩn gây bệnh sẽ tấn công thực phẩm.

Chính vì thế, việc bảo quản thực phẩm là rất quan trọng. Không giữ thực phẩm đã chín ở nhiệt độ phòng nhiều hơn 2h. Bảo quản lạnh (tốt nhất là <5oC). Hâm thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ >60oC trước khi sử dụng. Không bảo quản thực phẩm quá lâu, dù trong tủ lạnh.



Theo BS Cẩm Nga - Sức khỏe và Đời sống
Read More »

Những loại thức ăn nào dễ bị nhiễm chì?

Chì là một kim loại độc có thể gây tổn hại cho hệ thần kinh, đặc biệt là ở trẻ em và có thể gây ra các chứng rối loạn não và máu. Vậy những thức ăn nào dễ bị nhiễm chì?

Chì là một kim loại mềm màu xám, tạo nhiều hợp chất có màu sắc khác nhau nên thường được dùng trong pha sơn, kỹ nghệ thủy tinh, làm chất màu cho đồ gốm...

Ngộ độc chì xảy ra do trẻ em ngậm đồ chơi có pha chì. Đặc biệt, ngộ độc chì kinh niên có thể xảy ra do: ăn các thực phẩm đóng hộp hàn bằng thiếc lẫn chì; uống nước dẫn qua đường ống pha chì; hít phải bụi chì và các hợp chất của nó trong các nhà máy sản xuất sơn, làm acquy, mạ kim loại, khai thác chì và đúc chữ in bằng chì; nhân viên tiếp xúc với xăng dầu chứa chì hữu cơ. Chỉ cần hít thở không khí có nồng độ 5m/lít chì hữu cơ đã có thể tử vong.

Ngộ độc chì chủ yếu từ đường thức ăn hoặc nước uống có nhiễm chì; nhưng cũng có thể xảy ra sau khi vô tình nuốt phải các loại đất hoặc bụi nhiễm chì hoặc sơn gốc chì. Tiếp xúc lâu ngày với chì hoặc các muối của nó hoặc các chất ôxy hóa mạnh như PbO2 có thể gây bệnh thận, và các cơn đau bất thướng giống như đau bụng.

Đối với phụ nữ mang thai, khi tiếp xúc với chì ở mức cao có thể bị sẩy thai. Tiếp xúc lâu dài và liên tục với chì làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới.

Theo TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vào cơ thể với mức nào thì chì cũng có hại cho sức khỏe. Bởi nếu tích tụ lâu dài, chì sẽ gắn chặt vào các tổ chức của cơ thể, đặc biệt là hệ cơ xương, khiến cho quá trình đào thải càng chậm dẫn đến suy thận, tổn thương thần kinh ngoại vi, giảm chức năng não bộ mà không thể hồi phục, vô sinh, sẩy thai...

Riêng với trẻ em, chì có tỷ lệ nghịch với sự phát triển chỉ số thông minh, chỉ cần nồng độ trong máu là 100microgam/lít cũng đã ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ. Còn ở người lớn là 250microgam/lít, thận, hệ thần kinh… đã bị phá hủy, nếu cao hơn nữa, có thể hôm mê và tử vong.


Thực phẩm thủy sản dễ bị nhiễm chì. Ảnh minh họa.

Những loại thực phẩm có chì phổ biến

Theo các chuyên gia dinh dưỡng cho hay, thường thực phẩm nhiễm chì là do môi trường ô nhiễm, trồng ở những nơi có nguồn đất, nguồn nước bị nhiễm độc hoặc dùng dụng cụ sành sứ, sắt tráng men, nhựa tái sinh... bị nhiễm chì hoặc các chất độc hoá học khác để chứa đựng thực phẩm; để thực phẩm tiếp xúc trực tiếp hoặc gần nơi ô nhiễm. Đặc biệt, hầu hết phân bón rau quả đều có chì ở các mức độ khác nhau khiến thực phẩm bị ảnh hưởng.

Theo đó, nhóm thực phẩm ăn hàng ngày bị nhiễm chì cao nhất là ở gạo, thịt lợn, rau muống, tôm dảo, cam, quýt... Thực phẩm vượt quá quy định của Bộ Y tế về cadimin (kim loại gồm sulfua lẫn với carbonat kẽm) nhiều nhất cũng có ở gạo, thịt lợn, thịt bò. Cadimin cũng xuất hiện tại các thực phẩm khác như trứng gà (theo Báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện nghiên cứu từ tháng 3 năm 2009 đến tháng 3 năm 2010).

Triệu chứng ngộ độc cấp chì

Khi uống phải muối chì sẽ xuất hiện một số dấu hiệu ngộ độc cấp như rát miệng, nôn, đau bụng, ỉa phân đen sau đó táo bón, có thể bị vô niệu do thận bị tổn thương, tăng urê huyết… Trường hợp ngộ độc chì trường diễn: xuất hiện vành đen ở lợi miệng rất sớm, người có thể có dấu hiệu thần kinh như thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, nhức đầu, hoang tưởng ảo giác.

Để chẩn đoán ngộ độc chì trường diễn cần chú ý lượng chì có tự nhiên trong cơ thể: mức trung bình của chì trong máu 0,06mg/100ml, trong nước tiểu 24 giờ: 0,08 mg. Nếu hàm lượng chì có trong máu hoặc nước tiểu quá cao có nghĩa đã ngộ độc chì.

Ngộ độc chì rất nguy hiểm, đặc biệt là trẻ em, bởi nhiều trường hợp không có triệu chứng, song chì đã nhiễm và hủy hoại vĩnh viễn một số cơ quan chức năng trong cơ thể, như gan, thận, tiêu hóa, não...

Những thực phẩm có tác dụng giải độc chì

Một số thực phẩm sau đây không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn chứa nhiều thành phần có khả năng phòng ngừa nhiễm độc chì.

Tôm khô: Tôm khô là một loại thực phẩm có hàm lượng đạm rất cao, tôm khô có thể dùng để nấu canh bầu, canh ngót…vị ngọt nhẹ nhàng, thanh, mát thích hợp với không khí nóng bức mùa hè và giải độc chì.

Cà rốt: Cà rốt có chứa nhiều vitamin rất tốt cho sức khỏe. Những người bị nhiễm độc thủy ngân hay nhiễm độc chì nên thường xuyên ăn cà rốt.

Gan: Gancó chứa nhiều chất đạm, nhiều vitamin A và sắt rất tốt cho sức khỏe.Trước khi chế biến, nên cắt lát mỏng từng miếng gan rửa sạch bằng nước lạnh, bóp hết máu đọng, lấy giấy ăn thấm khô hết máu trong gan để loại bỏ chất độc trong máu của gan, chỉ còn giữ lại các tế bào gan giàu chất dinh dưỡng.

Mộc nhĩ đen: Nấm đen có giá trị bổ dưỡng rất cao, có nhiều hoạt chất có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp giải độc và làm chậm sự lão hóa.

Thịt bò: Thịt bò rất giàu chất sắt có tác dụng bổ sung lượng máu cho cơ thể và phòng tránh cơ thể bị thiếu máu. Ngoài ra, các axit linoleic cũng tham gia quá trình duy trì cơ bắp.

Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe, hàng ngày bạn nên bổ sung thêm cho cơ thể khoảng 1000 mg vitamin C mỗi ngày. Đây là biện pháp giúp cơ thể tăng cường giải độc chì.

Trà xanh: Trà xanh có tác dụng điều chỉnh và hạn chế sự phát triển của ung thư bằng cách tiêu diệt tế bào gây ung thư. Uống trà xanh thường xuyên giúp cơ thể bạn thải độc chỉ và giảm tới 18% nguy cơ mắc bệnh ung thư.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, người tiêu dùng, đặc biệt là gia đình có con nhỏ nên mua thực phẩm tại các cửa hàng/siêu thị có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Nguồn: VnMedia.vn
Read More »

Trồng rau đặc sản từ nguồn nước giếng cổ nghìn năm tuổi

Ở vùng Gio An (Gio Linh, Quảng Trị), nhờ nguồn nước ngầm mát lành từ các giếng cổ mà người dân trồng được loại rau liệt đặc sản, ngon và sạch có thể ăn sống ngay tại ruộng.


Rau liệt, tên phổ thông là xà lách xoong, được người dân xã Gio An trồng nhiều đời nay, nhưng không ai nhớ rõ có từ khi nào.


Mùa rau thường từ tháng 10 âm lịch hàng năm và kéo dài khoảng 4-5 tháng, tùy theo thời tiết. Ruộng rau là những bãi nhỏ xen kẽ giữa các ngọn đồi đất đỏ bazan.


Cây rau chỉ bám nhẹ trên đất đá, dinh dưỡng chủ yếu lấy từ nguồn nước chảy. “Ngoài vùng đất này ra thì không nơi nào ở Quảng Trị trồng được rau này. Nhiều người thử bơm nước giếng lên chảy vào ruộng rau nhưng không trồng được. Rau phát triển nhờ nước ngầm và trời mát, nắng nóng là lá rau héo, không lên được”, anh Lê Phước Thành ở thôn An Nha, có 10 năm gắn bó với nghề trồng rau liệt, cho hay.


“Trồng rau này không phân bón, thuốc trừ sâu và cũng không mất công chăm sóc. Rau sống nhờ nguồn nước ngầm chảy ra từ các giếng cổ, rất sạch nên hoàn toàn có thể ăn sống tại ruộng mà không sợ gì”, anh Thành nói thêm.


Đầu vụ, người dân lấy gốc rau còn sót lại từ vụ trước để nhân giống rồi rau phát triển tự nhiên cho đến hết vụ. Khoảng 15-20 ngày, rau được cắt một lần. Giá thu mua tại ruộng vào đầu vụ khoảng 6.000 đồng mỗi bó, và giảm còn 2.000 đồng vào chính vụ ở thời điểm sát Tết Nguyên đán.


Bà Ngô Thị Loan ở thôn Hảo Sơn có 2 sào rau cho hay, riêng thôn Hảo Sơn mỗi ngày xuất ra thị trường khoảng 5.000-6.000 bó rau, bán trong tỉnh và ở Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế. Vào mỗi buổi chiều, người dân thường gọi nhau quang gánh ra ruộng cắt rau bỏ mối cho thương lái.


Trong khi đó, bà Trương Thị Phúc cho biết có 40 năm làm nghề buôn rau liệt do mẹ truyền lại. Mỗi ngày, ôtô của bà Phúc vào thu mua tận thôn Hảo Sơn khoảng 2.000 bó rau và chở vào chợ đầu mối ở Thừa Thiên - Huế bán sỉ.


Hàng chục người khác thu mua với số lượng ít hơn, sử dụng xe máy chở đi các chợ trong tỉnh để bán. Bản thân người Hảo Sơn ngoài cắt rau bán sỉ, cũng thường tự đi bán rau ở chợ huyện.


Nhờ có các giếng nước cổ nên khoảng 80 hộ dân xã Gio An phát triển được 8 ha rau liệt. “Mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 500-600 triệu đồng/ha”, ông Nguyễn Đăng Diệu, Phó chủ tịch xã Gio An, thông tin.


Khoảng 2 năm trở lại đây, huyện Gio Linh bắt đầu xây dựng đề án thương hiệu rau liệt Gio An. “Người dân rất ủng hộ xây dựng thương hiệu cho rau, và chúng tôi đang tích cực đẩy nhanh tiến độ”, ông Diệu cho hay.


Rau liệt được cho là thực phẩm dễ tính khi dễ dàng chế biến với các loại thịt hay hải sản. Tùy vào khẩu vị, rau liệt được ăn sống, xào hoặc nấu canh, có vị ngọt giòn, hăng nhẹ.



Hoàng Táo
Nguồn: vnexpress.net
Read More »